Giới thiệu Thư viện số


Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và sự đổi mới hoạt động của ngành thư viện; bên cạnh thư viện truyền thống; Thư viện Quốc hội đã xây dựng và phát triển Thư viện số giúp cho việc khai thác, sử dụng tài liệu của độc giả không bị giới hạn về không gian, thời gian nhằm hỗ trợ nhanh nhất cho độc giả là các đại biểu Quốc hội; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Văn phòng Quốc hội nói riêng và các độc giả là công chúng nói chung.

một đơn vị mới thành lập, nhất là hoạt động của Thư viện số mới đi những bước khởi đầu; do đó việc phát triển các bộ sưu tập và tài liệu số vẫn chưa phong phú và đang trong quá trình tích lũy. Tính đến nay, (tháng 7/2016), Thư viện Quốc hội đã tiến hành sưu tầm và số hóa được một số bộ sưu tập tài liệu là tài liệu nội sinh của Quốc hội và một số tài liệu có giá trị tham khảo; ngoài ra Thư viện Quốc hội cũng tiến hành liên kết với một số cơ sở dữ liệu trong và ngoài nước với mục đích cung cấp thêm nguồn thông tin tới các độc giả.

Trong thời gian tới, với sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo cùng với sự đầu tư về nguồn lực và việc mở rộng quan hệ với các đối tác trong và ngoài nước; Thư viện Quốc hội sẽ có một trang điện tử về thư viện số dễ sử dụng, với đa dạng các bộ sưu tập số có giá trị tham khảo, đáp ứng nhu cầu phục vụ thông tin đa dạng của các độc giả.

Thư viện Quốc hội chân thành cảm ơn sự quan tâm của Quý vị!



Nguồn lực số hóa tại Thư viện Quốc hội Việt Nam

Hiện tại, phòng Thư viện số đang từng bước tiến hành công tác thu thập, tổ chức, xử lý tài liệu số với nguồn nội sinh và các nguồn khác để làm phong phú thêm kho dữ liệu số. Kết quả, đã có một số bộ sưu tập phục vụ độc giả, cụ thể (tính đến tháng 5/2016):


nguontulieu

1. Văn kiện Quốc hội: Văn kiện Quốc hội gồm một khối lượng tài liệu, văn kiện khá đồ sộ từ năm 1946 đến năm 2000, phản ánh các mặt hoạt động phong phú của Quốc hội trong việc thực hiện ba chức năng: lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, phản ánh một cách khách quan, trung thực quá trình tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội từ năm 1946 và quá trình xây dựng và phát triển của Nhà nước ta. Văn kiện Quốc hội cung cấp những tư liệu lịch sử chính xác và có hệ thống cho công tác lý luận, biên soạn lịch sử Quốc hội, tuyên truyền, giáo dục và bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là lớp trẻ về truyền thống của Quốc hội, của Nhà nước ta.

2. Tài liệu kỳ họp: Đây là các văn kiện kỳ họp từ khóa II (năm 1960) đến nay được Thư viện Quốc hội tiến hành số hóa đối với những khóa Quốc hội chỉ có bản giấy không có bản điện tử và sưu tầm từ nguồn trang tin điện tử của Văn phòng Quốc hội. Đây là kho tư liệu quý hiếm, hiện chỉ có một bản giấy duy nhất. Văn kiện này cung cấp thông tin về những kỳ họp Quốc hội từ khi ra đời đến nay với những chặng đường lịch sử hình thành và phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam.

3. Chuyên đề phục vụ kỳ họp: Gồm các chuyên đề tổng quan và chuyên sâu do Thư viện Quốc hội nghiên cứu, biên tập trên cơ sở yêu cầu của đại biểu Quốc hội và trên cơ sở dự đoán nhu cầu thông tin của đại biểu Quốc hội nhằm cung cấp cho các đại biểu Quốc hội những thông tin tổng quan, tài liệu tham khảo liên quan đến các dự án luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua.

4. Báo cáo đoàn đi công tác nước ngoài: Tập hợp những báo cáo chuyến thăm và làm việc của các đoàn công tác của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tới nghị viện, các cơ quan, tổ chức khác trên thế giới nhằm nghiên cứu, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm lập pháp và các nội dung khác có liên quan đến cơ cấu, tổ chức và hoạt động của Quốc hội từ khóa X đến nay. Các tài liệu trên được Thư viện Quốc hội sưu tầm, khai thác từ nguồn lưu trữ cơ quan.

5. Sách tham khảo: Gồm các sách do Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội xuất bản và Thư viện Quốc hội sưu tầm.

6. Đề tài nghiên cứu khoa học: Là những tài liệu có giá trị khoa học và có giá trị tham khảo đang được lưu trữ tại Thư viện Quốc hội nhằm phục vụ trực tiếp nhu cầu tham khảo thông tin, nghiên cứu của các đại biểu Quốc hội cũng như cho cán bộ, công chức, viên chức trong việc tham mưu chính sách.

7. Tài liệu hội nghị, hội thảo, tọa đàm: Gồm các tài liệu của các hội nghị, hội thảo, tọa đàm được sưu tầm từ các Ủy ban, các vụ trong cơ quan Văn phòng Quốc hội.

8. Điểm báo: Tập hợp những bài báo với nhiều nội dung khác nhau được Thư viện Quốc hội chọn lọc từ các trang báo chính thống như Hà Nội mới, Nhân dân, Sài gòn giải phóng, Quân đội nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh,…..nhằm cung cấp thông tin đa chiều về mọi vấn đề trong xã hội.

9. Bài trích tạp chí: Gồm 1030 bài trích của 8 đầu tạp chí chuyên sâu về nhà nước, luật, tư pháp gồm tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Luật học, Nhà nước pháp luật, Tổ chức Nhà nước, Quản lý Nhà nước, Khoa học pháp lý, Kiểm sát, Tòa án nhân dân, Nghiên cứu Quốc tế cung cấp độc giả nguồn tài liệu tham khảo chuyên sâu về ngành cũng như kinh nghiệm thực tiễn của nước ngoài về lĩnh vực ngành.

10. Tài liệu từ các tổ chức nước ngoài: Đây là những tài liệu tham khảo được Thư viện Quốc hội sưu tầm từ các trang thông tin điện tử của các tổ chức quốc tế như: Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Quỹ Châu Á, Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Ngân hàng thế giới (WB)…

11. Luận văn, luận án: Gồm các luận văn, luận án được sưu tầm từ nhiều nguồn lưu trữ khác nhau.

12. CSDL trực tuyến ProQuest: http://www.search.proquest.com ProQuest là một cơ sở dữ liệu điện tử do nhà xuất bản ProQuest xây dựng với gần 30.000 luận văn toàn văn, hơn 44.000 hồ sơ doanh nghiệp (Hoover’s Company Records), hơn 3.000 báo cáo công nghiệp (Snapshots Series), hơn 11.250 tạp chí (8.400 tạp chí toàn văn, 479 báo toàn văn); hơn 60 nguồn học liệu tham khảo gồm Brookings Paper, OEF, Career Guide, Occupational Outlook Handbook với chủ đề chính gồm 160 chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau; ProQuest được hỗ trợ nhiều thứ tiếng khác nhau: Anh. Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật… chưa hỗ trợ tiếng Việt.

13. Cơ sở dữ liệu số hóa của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF: (Quyền truy cập đến trong 3 năm từ tháng 11/2014 đến tháng 11/2017). Đây là nguồn tài liệu điện tử mới với toàn bộ danh mục hơn 12.000 ấn phẩm điện tử dưới nhiều định dạng số cùng các cơ sở dữ liệu thống kê quan trọng của IMF dành các cơ quan học thuật, không lợi nhuận thuộc chính phủ của các nước đang phát triển để phục vụ cho công tác nghiên cứu.

14. Cơ sở dữ liệu Trung tâm thông tin dự báo Khoa học xã hội- Bộ Kế hoạch đầu tư: Là cơ sở dữ liệu Tư liệu toàn văn do Trung tâm xây dựng tập trung vào 18 chủ đề liên quan đến quá trình đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam gồm các bài nghiên cứu cả trong và ngoài nước; tài liệu chuyên khảo, ấn phẩm thông tin; kết quả các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh tế và quản lý kinh tế; thông tin tư liệu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

15. Cơ sở dữ liệu tài liệu nội sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội: Cơ sở dữ liệu này bao gồm các luận văn, luận án, kết quả nghiên cứu khoa học; kỷ yếu hội nghị khoa học; chế bản in các giáo trình của Đại học Quốc gia Hà Nội

16. Cơ sở dữ liệu tài liệu khoa học công nghệ Việt Nam (STD) của Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia, Bộ khoa học, công nghệ.

17. Cơ sở dữ liệu danh mục tài liệu nghiên cứu của Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia, Bộ khoa học, công nghệ.

18. Bộ sưu tập đĩa CD: Gồm các bộ sưu tập đĩa CD do Thư viện Quốc hội sưu tầm từ các nguồn trao đổi, tặng biếu gồm nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó có một bộ đĩa về Đảng cộng sản Việt Nam, bộ đĩa về Tư tưởng Hồ Chí Minh.